11 Đời chúa Trịnh trong lịch sử Việt Nam (1570 - 1787)

Chúa Trịnh (1570 - 1787) là một vọng tộc phong kiến kiểm soát quyền lực đàng ngoài suốt thời Lê Trung Hưng, khi nhà Vua tuy không có thực quyền vẫn được duy trì ngôi vị. Bộ máy triều đình lúc này hoạt động theo thể chế lưỡng đầu. Tổng cộng có 11 chúa Trịnh chính thức (nếu tính luôn cả Thế Tổ Minh Khang Đại Vương Trịnh Kiểm là có 12 chúa) cai quản xứ Đàng Ngoài trong hơn 2 thế kỷ.
Phủ chúa Trịnh? Ảnh minh họa internet

"Vua Lê chúa Trịnh"
"Trịnh tồn Lê tại, Trịnh bại Lê vong"
"Lê nhờ có Trịnh mới khôi phục được cơ đồ, dẹp yên được loạn giặc, tuyệt diệt được Ngụy Mạc, thu phược được Nam Triều: tìm tòi giống cũ, thay đổi chính mới, đều là nhờ tay chúa Trịnh cả. Trịnh nhờ có Lê mới được vinh tổ riệu tông, phong thê ấm tử: Sắc lệnh ra Bắc, Bắc phải tuân, binh quyền sang Nam, Nam phải phục, thu phục được nhân tài, hiệu lệnh thiên hạ, đều nhờ có vua Lê cả. Nên ông trạng Trình có bảo nhà chúa rằng: "Muốn ăn lúa phải tìm thóc giống cũ" - lại dẫn ra chùa mà chỉ bảo nhà sư: "Nên thành kính phụng phật thì được thụ lộc" - Thế nên Trịnh dẫu quyền khuynh thiên hạ mà vẫn phải giữ đạo tử - thần, không dám bắt chước Vương Mãng nhà Hán, Lộc Sơn nhà đường vậy."
- Trịnh gia chính phả / Giang Nam, Ngọc Hồ Cư Sĩ, Phạm Ngọc Đan

Thế Tổ Minh Khang Đại Vương Trịnh Kiểm (1539 - 1569), là người mở đầu sự nghiệp nắm quyền của họ Trịnh sau khi Nguyễn Kim mất. Ông tiếp tục sự nghiệp phù Lê diệt Mạc và sau này những hậu duệ của ông tiếp tục hoàn thành sự nghiệp trung hưng nhà Lê, khôi phục Đông Kinh, mở ra thời kỳ vua Lê - chúa Trịnh.

Tuy được coi là vị chúa đầu tiên của hơn 200 năm cơ nghiệp dòng họ Trịnh, nhưng đương thời khi cầm quyền ông không xưng là chúa, ông được đời sau truy tôn là Thái Vương. Ông là người nắm quyền chỉ huy quân đội các vua Lê thời Nam Bắc triều từ năm 1545 đến khi mất (1569).

Mời các bạn cùng khám phá 11 đời chúa Trịnh trong lịch sử Việt Nam

1: Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng nắm quyền từ 1570 - 1623
Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng nắm quyền từ 1570 - 1623
Chúa Trịnh Tùng chân dung trong Trịnh gia Chính phả
Trịnh Tùng thụy hiệu Thành Tổ Triết Vương là vị chúa Trịnh chính thức đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Ông là con thứ hai của Trịnh Kiểm, xét theo thế thứ ông là đời thứ hai của họ Trịnh kế tục nhau lãnh binh quyền "phù Lê". Tuy nhiên, vì cha của Trịnh Tùng là Trịnh Kiểm mới được phong tước Công. Thụy hiệu Thái Vương của Trịnh Kiểm là do đời sau đặt, phải từ thời Trịnh Tùng trở đi, họ Trịnh mới nhận tước Vương khi còn tại vị, được gọi là chúa và lập thế tử, nên ông được xem là vị chúa Trịnh chính thức đầu tiên.

2: Văn Tổ Nghi Vương Trịnh Tráng nắm quyền 1623 - 1657
Văn Tổ Nghi Vương Trịnh Tráng nắm quyền 1623 - 1657
Chúa Trịnh Tráng chân dung trong Trịnh gia Chính phả
Trịnh Tráng là con thứ hai của Trịnh Tùng, thụy hiệu Văn Tổ Nghi Vương, là chúa Trịnh thứ 2 thời Lê Trung Hưng chính thức xưng vương khi còn tại vị, nắm thực quyền cai trị miền Bắc nước Đại Việt từ năm 1623 - 1657. Về chính trị, ông là người củng cố địa vị cai trị của chế độ "vua Lê chúa Trịnh", về quân sự, thời kỳ ông câm quyền là bước chuyển căn bản giữa hai cuộc xung đột Nam Bắc triều và Trịnh Nguyễn.

3: Hoằng Tổ Dương Vương Trịnh Tạc nắm quyền 1657  - 1682
Hoằng Tổ Dương Vương Trịnh Tạc nắm quyền 1657  - 1682
Chúa Trịnh Tạc chân dung trong Trịnh gia Chính phả
Trịnh Tạc là con thứ hai của chúa Trịnh Tráng, khi lên thế tử được phong là Tây Định Vương, thụy hiệu Hoằng Tổ Dương Vương. Là vị chúa Trịnh thứ ba thời Lê Trung Hưng, cầm quyền từ năm 1657 - 1682. Trịnh Tạc là chúa Trịnh duy nhất chứng kiến cả bảy cuộc xung đột Trịnh Nguyễn ở thế kỷ 17 và có công chấm dứt việc cát cứ của họ Mạc ở Cao Bằng, đưa miền Bắc nước Đại Việt bước vào thời thịnh trị.

4: Chiêu Tổ Khang Vương Trịnh Căn nắm quyền 1682 - 1709
Chiêu Tổ Khang Vương Trịnh Căn nắm quyền 1682 - 1709
Chân dung chúa Trịnh Căn trong Trịnh gia Chính phả

Trịnh Căn là con thứ tư của chúa Trịnh Tạc, lúc làm thế tử phong tước Định Nam Vương, thụy hiệu Chiêu Tổ Khang Vương. Là vị chúa Trịnh tứ tư đời Lê Trung Hưng (1682 - 1709).

Sự nghiệp của chúa Trịnh Căn là gạch nối cơ bản giữa thời Trịnh Nguyễn phân tranh và thời thịnh trị của Đàng Ngoài. Ông là người chỉ huy có công chặn đứng thế bắc tiến của Chúa Nguyễn, giữ hòa bình cho Bắc Hà và đưa miền bắc Đại Việt vào thời kỳ phát triển phồn thịnh trở lại sau nhiều năm binh lửa.

5: Hy Tổ Nhân Vương Trịnh Cương nắm quyền 1709 - 1729
Hy Tổ Nhân Vương Trịnh Cương nắm quyền 1709 - 1729
Chân dung chúa Trịnh Cương trong Trịnh gia Chính phả

Trịnh Cương là con của Tấn Quang Vương Trịnh Bính, cháu Lương Mục Vương Trịnh Vịnh, chắt Chiêu Tổ Khang Vương Trịnh Căn thụy hiệu Hy Tổ Nhân Vương. Ông là vị chúa Trịnh thứ 5 thời Lê Trung Hưng, cầm quyền từ 1709 - 10/1729. Ông là chúa Trịnh duy nhất có cuộc đời và sự nghiệp trong thời thái bình thịnh trị không hề có nạn binh đao.

Trịnh cương với địa vị chắt nội lên kế vị ngôi chúa từ Trịnh Căn bởi cha và ông của ông đều sớm qua đời. Trong thời gian nắm quyền chúa Trịnh Cương có đề ra một số chính sách mới nhằm ổn định tình hình chính trị xã hội ở Đàng Ngoài, thời của ông có thể nói là tương đối ổn định trong hơn 200 năm cầm quyền của các chúa Trịnh.

6: Dụ Tổ Thuận Vương Trịnh Giang nắm quyền 1729 - 1740
Dụ Tổ Thuận Vương Trịnh Giang nắm quyền 1729 - 1740
Chân dung chúa Trịnh Giang trong Trịnh gia Chính phả
Uy Nam Vương Trịnh Giang, là con trưởng cúa chúa Trịnh Cương, thụy hiệu là Dụ Tổ Thuận Vương, là vị Chúa Trịnh thứ 6 thời Lê Trung Hưng, nắm quyền từ 10/1729 - 1/1740.

Trong thời gian nắm quyền của mình, chúa Trịnh Giang làm nhiều việc mất lòng người như giết vua và nhiều đại thần được trọng vọng, lại xa vào con đường ăn chơi xa xỉ, tin dùng hoạn quan, gian nịnh khiến chính sự ngày càng đổ nát, cơ đồ họ Trịnh rơi vào con đường suy vong. Đến nửa cuối giai đoạn trị vì của ông, các cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra, thành một làn sóng mạnh mẽ khắp Đàng Ngoài càng làm lung lay sự thống trị của hộ Trịnh. Trước tình hình đó, vào năm 1740, mẹ ông là Thái phi Vũ Thị cùng một số đại thần trong phủ đã lật đổ ông và đưa người em trai ông là Trịnh Doanh cầm quyền. Trịnh Giang được tôn làm Thái Thượng Vương nhưng bị giam lỏng trong cung điện đến lúc qua đời.

7: Nghị Tổ Ân Vương Trịnh Doanh nắm quyền 1740 - 1767
Nghị Tổ Ân Vương Trịnh Doanh nắm quyền 1740 - 1767
Chân dung chúa Trịnh Doanh trong Trịnh gia Chính phả
Minh Đô Vương Trịnh Doanh là con thứ của chúa Trịnh Cương và em ruột của chúa Trịnh Giang, thụy hiệu là Nghi Tổ Ân Vương, là vị chúa Trịnh thứ 7 thời Lê Trung Hưng trong lịch sử Việt Nam, nắm quyền từ năm 1740 - 1767.

Trịnh Doanh từ khi còn trẻ đã sớm bộc lộ là người có tài văn võ thao lược, được Trịnh Giang hết sức tin tưởng, năm 1736 ông được Trịnh Giang phong làm Khâm sai Tiết chế thủy bộ mọi dinh, hàm Thái úy, tước Hân Quốc Công. Năm 1740 do Trinh Giang bỏ bê việc nước, bà thái phi họ vũ (mẹ Trịnh Giang và Trịnh Doanh) đã cùng nhóm đại thần Nguyễn Quý Cảnh tôn lập Trịnh Doanh lên thay Trịnh Giang.

Trong thời gian nắm quyền, chúa Trịnh Doanh chú tâm đánh dẹp các cuộc nổi dậy của nông dân trong nước, và trong vòng 10 năm thì tình hình cơ bản đã tạm yên. Ngoài ra ông cũng cố gắng đưa ra một số biện pháp cải cách để chấn hưng đất nước và xoa dịu tình hình của nhân dân. Song không thể cứu vãn sự suy thoái của chính quyền Lê Trịnh. Ông qua đời vào năm 1767 và ngôi chúa được truyền cho người con trưởng là Trịnh Sâm.

8: Thánh Tổ Thịnh Vương Trịnh Sâm nắm quyền 1767 - 1782
Thánh Tổ Thịnh Vương Trịnh Sâm nắm quyền 1767 - 1782
Chân dung chúa Trịnh Sâm trong Trịnh gia Chính phả

Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm là con trưởng của chúa Trịnh Doanh, thụy hiệu Thánh Tổ Thịnh Vương, là vị chúa Trịnh thứ 8 thời Lê Trung Hưng, nắm quyền từ năm 1767 - 1782.

Từ nhỏ ông đã được nuôi dạy tử tế và có được trí thông minh, quyết đoán hơn người. Năm 1767, sau cha qua đời, Trịnh Sâm lên nối ngôi. Trong những năm đầu cai trị, ông chính thức hoàn thành công cuộc đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa nông dân, sửa sang nền chính trị và tiến hành nam chinh, thu được đất Thuận Hóa.

Từ sau năm 1775, Trịnh Sâm ngày càng sa vào tửu sắc, chính trị suy bại, cuộc sống người dân trở nên cơ cực. Ông sủng ái Tuyên phi Đặng Thị Huệ và quận Huy Hoàng Đình Bảo, đến năm 1780, thế tử Trịnh Tông nổi loạn nên bị phế truất, con Tuyên phi là Trịnh Cán mới 5 tuổi được lập làm thế tử. Trịnh Sâm sau đó cũng mắc bệnh qua đời năm 1782, Trịnh Cán lên nối ngôi, họ Trịnh ngày càng lún sâu vào con đường suy sụp.

9: Diện Đô Vương Trịnh Cán 1782
Diện Đô Vương Trịnh Cán 1782
Chân dung chúa Trịnh Cán và tuyên phi Đặng Thị Huệ trong Trịnh gia Chính phả
Năm 1782, chúa Trịnh Sâm mất để di chiếu bỏ con trưởng là Trịnh Khải, lập con thứ là Trịnh Cán, con bà tuyên phi Đặng Thị Huệ mới 5 tuổi lên làm chúa và cho Huy quận công Hoàng Đình Bảo làm phụ chính. Trịnh Cán nối ngôi cha được tôn làm Diện Đô Vương. Diện Đô Vương Trịnh Cán là vị chúa Trịnh thứ 9 thời Lê Trung Hưng, ở ngôi từ 9 - 11/1982. Chúa Trịnh Cán sinh ra và mất tại thành Thăng Long khi mới 6 tuổi.

10: Đoan Nam Vương Trịnh Khải nắm quyền 1782 - 1786

Đoan Nam Vương Trịnh Khải nắm quyền 1782 - 1786
Chân dung chúa Trịnh Khải trong Trịnh gia Chính phả
Đoan Nam Vương Trịnh Khải là con trưởng của chúa Trịnh Sâm với bà Dương Thị Ngọc Hoan, là vị chúa Trịnh thứ 10 thời Lê Trung Hưng, nắm quyền từ 1782 - 1786, ở giai đoạn tan rã của tập đoàn phong kiến họ Trịnh.

Trịnh Khải từ khi còn trẻ đã không được cha yêu quý, lại bị bà tuyên phi Đặng Thị Huệ dèm pha. Trong vụ án năm Canh Tí ông bị truất ngôi thế tử phế làm con út, nhường lại ngôi thế tử cho Trịnh Cán là con của bà tuyên phi Đặng Thị Huệ. Tuy nhiên vào tháng 10 âm lịch 1782, không lâu sau khi chúa Trịnh Sâm mất, quân tam phủ cùng nhau nổi dậy tôn phò Trịnh Khải lên giữ ngôi chúa phế truất Trịnh Cán.

Kiêu binh hai xứ Thanh, Nghệ do có quân phò Trịnh Vương nên rất đắc chí, lộng hành ngang ngược, không kiêng kị gì cả khiến triều cương hỗn loạn, thế nước suy yếu. Năm 1786, tướng Tây Sơn là Nguyễn Văn Huệ lấy danh nghĩa phù Lê xuất quân bắc phạt, chúa Trịnh Khải không chống đỡ lại được rồi bị bắt và tự tử, bắt đầu cho mấy năm biến động liên tiếp trên chính trường Bắc Hà cho đến mùa xuân năm 1789.

11: Án Đô Vương Trịnh Bồng nắm quyền 1786 - 1787
Án Đô Vương Trịnh Bồng nắm quyền 1786 - 1787
Chân dung chúa Trịnh Bồng trong Trịnh gia Chính phả

Án Đô Vương Trịnh Bồng là con thứ của chúa Trịnh Giang, là vị chúa Trịnh thứ 11 thời Lê Trung Hưng và cũng là vị chúa cuối cùng trong cơ nghiệp của họ Trịnh, ở Bắc Hà.

Lại nói sau khi giết chúa Trịnh Khải, quân Tây Sơn trao quyền cho vua Lê, rồi rút quân về nam. Trịnh Bồng vẫn có chí toan khôi phục lại vương nghiệp, Tây Sơn đi rồi Trịnh Bồng vào kinh tự lập nghiệp chúa, vua Lê Chiêu Thống bèn phong Trịnh Bồng làm Án Đô Vương. Nhưng lại mất chiếu cho Nguyễn Hữu Chỉnh bấy giờ là tướng Tây Sơn trấn giữ đất Nghệ An. Chỉnh liền đem hơn vạn quân ra bắc để phù Lê đánh Trịnh. Trịnh Bồng đem quân ra chống cự thua phải bỏ chạy.

Sau Trịnh Bồng mấy lần toan khởi binh để khôi phục lại vương nghiệp, nhưng đều thất bại, chán nản sự đời, ông đành bỏ đi tu.

Lời kết:
"Họ Trịnh từ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng nắm quyền đến đức Án Đô Vương Trịnh Bồng xuất gia truyền ngôi chúa mười một đời chẵn, tổng cộng 217 năm, thực là một nhà không phải là Đế, cũng không phải là Bá, quyền khinh thiên hạ mà vẫn giữ đạo tử thần. Cho nên không những các đời nhà Lê tấn phong vương tước mà dẫu đến vua đời nhà Nguyễn còn truy niệm ân tình. nên có sắc dụ cho tổ tôn họ Trịnh đã trở về nước được cấp tự điền mà nòi giống họ Trịnh về sau đời đời được miễn trừ sưu dịch.

Thế mới biết: Nước có thay đổi nhà có thịnh suy, nhưng bao giờ đối với nước cũng phải lấy trung làm đầu, đối với nhà phải lấy hiếu làm trọng."
- Trịnh gia Chính phả/ Nhật Nam Trịnh Như Tấu.
Share on Google Plus

About Anh Bán Báo

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment