Giáo sư Sử Học Hà Văn Tấn - 40 năm học tập và nghiên cứu


Tôi sinh ngày 16-8-1937. Năm 1957, tôi 20 tuổi, tốt nghiệp khoa Sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ đó bắt đầu giảng dạy ở trường Đại học Sư phạm rồi trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đến nay, năm 1997, vừa đúng 40 năm. Tôi muốn nhân dịp này điểm qua quá trình học tập và nghiên cứu trong 40 năm đó.

Quê tôi là xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Đó cũng là quê của thi hào Nguyễn Du. Lúc bé, tôi học tiểu học ở trường xã rồi học trung học (sau đổi là cấp II) ở trường huyện. Huyện tôi lúc bấy giờ có một trường dân lập là trường Nguyễn Du. Một thầy giáo của trường này đã có ảnh hưởng rất lớn đến bước đường học tập sau này của tôi là thầy Ngụy Cao Hiền, con cháu dòng họ Ngụy Khắc Tuần, Ngụy Khắc Đản. Thầy Hiền chỉ đỗ cao đẳng tiểu học thời Pháp nhưng thầy rất giỏi nhiều môn, cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Thầy luôn khuyến khích tôi trong học tập. Thầy dạy tôi: “Ham học không đủ, phải biết học”. Học hết cấp II ở trường huyện, tôi lên học trường cấp ba của tỉnh. Bấy giờ tỉnh tôi chỉ có một trường cấp ba công duy nhất là trường Phan Đình Phùng. Tôi học trường Phan Đình Phùng trong hai năm, lớp 8 và lớp 9, niên khóa 1952-53 và 1953-54. Người thầy cấp ba có ảnh hưởng với tôi hơn cả là thầy Trần Quốc Nghệ. Thầy Nghệ dạy môn văn nhưng rất uyên bác trong nhiều lĩnh vực. Đối với tôi, thầy đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. Chẳng hạn, có hôm thầy bảo tôi rằng nên thay đổi một số câu của Khổng Tử, ví dụ Khổng Tử nói: “Tứ hải giai huynh đệ” (Bốn biển đều là anh em), theo thầy, chỉ nên nói: “Tứ hải giai huynh” (Bốn biển đều là anh), hay Khổng Tử nói: “Tri chi vi tri, bất tri vi bất tri, thị tri dã” (Biết thì làm ra biết, không biết thì làm ra không biết, ấy là biết vậy), theo thầy thì cần nói ngắn hơn, mà đủ hơn: “Tri chi vi bất tri, thị tri dã” (Biết cứ làm như không biết, ấy là biết vậy)[1]. Tôi thấy rằng tôi còn phải suy ngẫm và chiêm nghiệm những lời thầy dạy bảo trong suốt cuộc đời.

Hết lớp 9 trường Phan Đình Phùng, tôi ra Hà Nội học Đại học. Tôi định vào học sư phạm vì lý do khá đơn giản, có học bổng. Nhưng đầu năm 1955, tôi mới ra được Hà Nội, bấy giờ trường Đại học sư phạm đã khai giảng. Tôi đành thi vào các trường khác và đều đỗ. Thành ra băn khoăn mãi, không biết học trường nào. Bấy giờ chỉ có hai trường mở các lớp dự bị là Đại học Văn khoa và Đại học Khoa học. Lớp của Đại học Khoa học gọi là lớp P.C.B (Physique-Chimie-Biologie), học các môn vật lý, hóa học và sinh học. Vì không trùng thời gian, tôi quyết định học văn khoa vào buổi sáng và học P.C.B vào buổi chiều. Buổi tối thì đi dạy tư để kiếm sống. Nhiều buổi học, mệt quá, tôi lên tầng trên của đại giảng đường nằm ngủ. Hồi đó, bạn tôi là Phan Đình Diệu cùng học P.C.B với tôi. Sau một năm thấy vất vả quá, chúng tôi lại vào năm thứ nhất Đại học Sư phạm. Diệu vào khoa Toán còn tôi vào khoa Sử, không phải thi vì qua các lớp nói trên. Bấy giờ Sư phạm phải học ba năm, nhưng mới học xong năm thứ nhất, năm 1956, thì chúng tôi được chỉ thị của Bộ Giáo dục là đang cần nhiều giáo viên, chúng tôi phải học gấp để ra. Thế là cả lớp chúng tôi, suốt hè năm đó không được nghỉ mà phải học chương trình năm thứ hai, để niên khóa tới, lên học chung với năm thứ ba. Như vậy là tôi đã học Đại học Sư phạm trong hai năm và tốt nghiệp năm 1957. Học phổ thông 9 năm, học đại học 2 năm, có thể nói chính xác trình độ của tôi là 9+2. May thay và cũng cực nhọc thay, là ra trường, tôi được giữ lại làm tập sự trợ lý ở bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ đại của giáo sư Đào Duy Anh, thuộc khoa Sử, Đại học Sư phạm (thật ra, ngày đó, cả hai trường Đại học Sư phạm và Đại học tổng hợp có chung khung cán bộ giảng dạy, nhưng tôi thuộc biên chế trường Sư phạm, sau này, khi hai trường tách địa điểm, tôi mới thuộc biên chế trường Tổng hợp). Làm tập sự trợ lý ở bộ môn của giáo sư Đào Duy Anh trước tôi một năm có các anh Trần Quốc Vượng và Phan Huy Lê. Cùng lứa với tôi là anh Hoàng Văn Lân. Về sau anh Lân chuyển sang bộ môn Lịch sử cận hiện đại của giáo sư Trần Văn Giàu, sau nữa, là chuyển về Đại học Sư phạm Vinh.

Về làm cán bộ giảng dạy Đại học, dầu mới chỉ là tập sự trợ lý, tôi lo lắm. Với trình độ 9+2 thì làm ăn gì được. Phải lao vào học thôi. Mà trước mắt tôi là tấm gương tự học lớn lao của giáo sư Đào Duy Anh. Muốn tự học thì chỉ có cách là đọc sách. Mà muốn đọc sách thì phải nắm vững ngôn ngữ. Ngay tiếng Việt tôi thấy cần phải học tập thêm, phải đọc các sách về ngữ pháp, ngữ âm, và đặc biệt phải tìm hiểu các vấn đề liên quan đến nguồn gốc tiếng Việt. Ai cũng biết rằng ngôn ngữ cũng là nguồn sử liệu. Và như vậy, tôi lại phải đọc các sách về ngôn ngữ học chung. Ngày đó đã có lần anh Cao Xuân Hạo rủ tôi làm ngôn ngữ học. Và hiện nay, tôi vẫn là hội viên Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Nhưng đối với tôi, ngôn ngữ chỉ là cái chìa khóa, chứ không phải là mục đích. Chữ Hán thì tôi đã học từ trước, ở nhà, có cái vốn cỏn con gọi là “gia học”, nhưng cũng phải học thêm nhiều. Tiếng Pháp và tiếng Anh cũng thế, những thứ tiếng này tôi chỉ được học qua thời còn trên ghế trường phổ thông. Về đại học, tôi thấy cần học thêm tiếng Nga, tôi phải đi chép từng bài trong quyển sách dạy tiếng Nga qua tiếng Pháp của Nina Potapova ở Thư viện Trung ương tại phố Tràng thi. Về sau, giáo sư Đào Duy Anh có tâm sự với tôi là ông đã già, không học được tiếng Nga nữa, ông khuyên tôi là phải cố gắng hơn. Ông giao cho tôi việc dịch các đoạn về lịch sử Việt Nam trong bộ Lịch sử Thế giới của Liên Xô bấy giờ để trình bày với ông. Rồi tôi lại học tiếng Đức và tiếng Nhật. Về tiếng Đức thì lúc đầu tôi học nhiều sách, nhưng về sau, anh Cao Xuân Hạo khuyên tôi là cứ học tuần tự theo giáo trình các lớp phổ thông ở Liên Xô và anh cho tôi gần như toàn bộ giáo trình đó. Như vậy là tôi đã học tiếng Đức qua tiếng Nga. Tiếng Nhật cũng vậy. Nhưng về sau tôi thấy cách dạy tiếng Nhật của người Nga không thuận tiện với tôi vì họ coi tiếng Nhật cũng có “cách” như tiếng Nga. Tôi tìm được các sách dạy tiếng Nhật của người Trung Quốc. Giáo sư Đào Duy Anh thường bảo với tôi rằng muốn hiểu văn hóa Việt Nam thì phải hiểu văn hóa Trung Quốc và văn hóa Ấn Độ. Thế là tôi tìm cách học tiếng Sanskrit (Phạn), một thứ ngôn ngữ Ấn Độ cổ. Cũng lại thiếu sách. May quá, ngày đó tôi tình cờ mua được trong một hiệu bán sách cũ một quyển dạy Sanskrit qua tiếng Đức (mà lại là tiếng Đức in bằng lối chữ Gothic!) xuất bản từ những năm 20. Mãi về sau tôi mới kiếm được giáo trình Sanskrit của Abel Bergaigne và sách ngữ pháp Sanskrit của Louis Renou. Phải nói rằng bấy giờ còn rất trẻ nên rất tham lam, muốn học rất nhiều và ngốn ngấu tất cả sách tìm kiếm được.

Công việc mà giáo sư Đào Duy Anh giao cho tôi làm đầu tiên là hiệu đính bản dịch Dư địa chí của Nguyễn Trãi. Bản dịch đó là của cụ cử Phan Duy Tiếp. Hiệu đính bản dịch của một vị túc nho đã làm tôi lo vã mồ hôi. Nhưng chưa hết, giáo sư Đào còn bắt tôi làm chú thích cho quyển sách đó. Một khó khăn trong việc chú thích Dư địa chí là phải định vị các tên đất có trong sách qua các thời kỳ lịch sử cho đến ngày nay. Thế là phải tìm đọc các sách ghi chép về địa lý Việt Nam qua các đời như Đại Nam nhất thống chí, Hoàng Việt dư địa chí,… và các sách địa phương chí khác. Lại phải lục lọi các sách Trung Quốc từ Thủy kinh chú, Thái bình hoàn vũ ký, Nguyên hòa quận huyện chí, cho đến Độc sử phương dư kỷ yếu và phần Địa lý chí trong các bộ sử Trung Quốc… Đọc đến hoa cả mắt nhưng cũng vỡ vạc được nhiều điều. Nhờ giáo sư Đào, tôi bắt đầu làm quen với địa lý lịch sử Việt Nam. Ngày đó, giáo sư Đào chưa soạn quyển Đất nước Việt Nam qua các đời nhưng đã bảo ban tôi nhiều điều. Tôi nhớ là ngày đó có những điểm tôi không đồng ý với giáo sư Đào, thế là tôi cãi luôn, làm thầy có lần mắng tôi là “ngựa non háu đá”. Nhưng thầy không giận và cái tật của tôi vẫn không sửa được. Tôi chưa làm xong Dư địa chí thì giáo sư Đào đã phải đi khỏi trường. Lúc đi, thầy có dặn tôi là lúc nào sách được in, cho thầy một bản. Tôi buồn, xót xa, biết rằng từ nay không còn được thầy trực tiếp dạy bảo nữa.

Sau khi các thầy Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh đi khỏi trường, Khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội do giáo sư Trần Văn Giàu làm chủ nhiệm. Thầy Giàu đề xướng viết bộ giáo trình lịch sử Việt Nam. Anh Trần Quốc Vượng và tôi được phân công viết Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam và tập I Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Sở dĩ như vậy là vì chúng tôi được phân công giảng dạy lịch sử Việt Nam từ buổi đầu cho đến hết thời Hồ. Từ khởi nghĩa Lam Sơn và thời Lê trở đi do anh Phan Huy Lê phụ trách. Qua việc viết hai tập sách đó, tôi thấy hứng thú với các vấn đề tiền sử Việt Nam và các vấn đề về giai đoạn từ đầu thời kỳ tự chủ cho đến Trần. Có thể nói là từ đây, toàn bộ công việc nghiên cứu của tôi gần như đã được định hướng.

Lúc chúng tôi chuẩn bị viết quyển Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam thì cũng là lúc nhà khảo cổ học Trung Quốc Vương Trọng Thù sang Việt Nam, làm việc với Bộ Văn hóa và tổ chức việc khai quật lại địa điểm Đông Sơn. Anh Vượng và tôi được giáo sư Trần Văn Giàu phân công tham gia cuộc khai quật này. Đó là lần đầu tiên tôi được tham dự một cuộc khai quật khảo cổ học. Đáng tiếc, đây là một cuộc khai quật thất bại. Anh Vượng và tôi đi lang thang dọc bờ sông Mã, phát hiện được di chỉ mà sau này người ta gọi là Thiệu Dương. Cũng từ đó, thầy Giàu muốn hướng cho anh Vượng và tôi đi sâu vào khảo cổ học. Năm 1960, Khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội mời giáo sư tiến sĩ P.I. Boriskovsky ở Đại học Leningrad giúp chúng tôi xây dựng ngành khảo cổ học. Anh Vượng và tôi, sau đó thêm anh Trịnh Nhu, được đi theo các chuyến điều tra khảo cổ học dưới sự chỉ đạo của giáo sư Boriskovsky – mà chúng tôi quen gọi là Cụ Bô – ở Hòa Bình và Lạng Sơn. Chẳng những chúng tôi làm quen với các di tích người Pháp đã phát hiện của văn hóa Hòa Bình và văn hóa Bắc Sơn, mà đã có những phát hiện mới. Bấy giờ, giáo sư Boriskovsky còn làm cố vấn cho cuộc khai quật di tích Thiệu Dương. Xưởng chế tác đá Đông Khối và địa điểm Núi Đọ là được phát hiện trong thời gian này. Núi Đọ được Boriskovsky coi là thuộc sơ kỳ thời đại đá cũ. Ông là chuyên gia về thời đại đá cũ. Chúng ta đã học tập được ở ông rất nhiều về đá cũ cũng như về kỹ thuật chế tác đá. Những kinh nghiệm về kỹ thuật đá cũng như niềm say mê nghiên cứu nó mà tôi có được hiện nay là bắt đầu từ những bài giảng sống động của ông. Dưới sự chỉ đạo của ông, anh Vượng và tôi viết quyển Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy Việt Nam, xuất bản năm 1961. Ngoài những tri thức chung, chúng tôi kết hợp trình bày ở đây những phát hiện mới của chúng ta về thời đại đá.

Đi sâu nghiên cứu thời kỳ tiền sử và sơ sử của đất nước từ đây đã trở thành nhiệm vụ, và hứng thú của tôi. Tôi thấy cần hiểu biết nhiều hơn mới có thể thực hiện được nhiệm vụ đó. Tôi bắt đầu làm quen với nhân học nhân thể (anthropologiephysique), nhất là nghiên cứu về sọ người, đọc các sách về phương pháp và tìm đến giáo sư Đỗ Xuân Hợp để học thêm về môn này. Năm 1962, tôi viết bài Về vấn đề người Indonesien và loại hình Indonesien trong thời đại nguyên thủy Việt Nam, coi như là thử vận dụng những điều mà mình mới học được về nhân học nhân thể. Tôi gửi ngay công trình này sang Liên Xô và hỏi ý kiến các nhà nhân học nổi tiếng thời đó như M.G. Levin và N.N. Cheboksarov. Được sự ủng hộ của họ, tôi phấn khởi vô cùng. Về sau Cheboksarov thường nhắc đến công trình này của tôi trong các bài viết của ông. Trong nhiều năm, tôi đã giảng giáo trình cơ sở nhân học cho sinh viên. Cũng từ đó, tôi có kinh nghiệm là muốn học có kết quả một môn nào thì phải biết gắn những điều đã học với nghiên cứu và giảng dạy. Tôi đến với thống kê toán cũng vậy. Chẳng là khi đọc các tài liệu khảo cổ học và nhân học nước ngoài, tôi thường gặp những bài toán hay công thức thống kê mà tôi không hiểu. Giận mình, tôi bỏ công học lý thuyết xác xuất và thống kê, tham khảo các sách về phương pháp thống kê áp dụng trong sinh học, y học và cả khoa học lịch sử…, rồi bắt tay soạn giáo trình toán thống kê trong khảo cổ học. Trong những năm trường sơ tán ở Bắc Thái, tôi đã liên hệ được với các nhà khảo cổ học Liên Xô V.B Kovalevskaya, chuyên về phương pháp thống kê, và có được các tài liệu khảo cổ học thống kê của Nga và Mỹ. Năm 1970, tôi viết bài Ứng dụng thống kê toán học trong khảo cổ học, đăng trên tờ Tin nghiên cứu khoa học của các trường đại học, nhưng từ trước đó, năm 1967, tôi đã bắt đầu giảng toán thống kê trong khảo cổ học cho sinh viên. Say mê không đủ, phải bền gan, và có chút ít liều mạng, liều mạng một cách nghiêm túc!

Đi theo giáo sư Boriskovsky, những nghiên cứu khảo cổ học đầu tiên của tôi là về các văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn và về Núi Đọ. Năm 1968, tôi may mắn được cùng các anh Trần Quốc Vượng và Hán Văn Khẩn phát hiện văn hóa Sơn Vi hậu kỳ đá cũ trên đất Phú Thọ. Ngày nay, như chúng ta biết, văn hóa này đã phân bố rất rộng trên đất Việt Nam. Và như vậy, đã có thể suy nghĩ về một truyền thống công cụ cuội ở Việt Nam. Tôi đã thử áp dụng khái niệm truyền thống (tradition) và bình tuyến (horizon) vào nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam. Tôi đã gắn sự ít biến đổi của truyền thống cuội với môi trường sinh thái, mà ngày ấy tôi cho là không thay đổi, ở Đông Nam Á từ Pleistocene sang Holocene. Nhưng từ khi phát hiện ra kỹ nghệ Ngườm, một kỹ nghệ mảnh tước hậu kỳ đá cũ, tôi thấy rằng những luận điểm của mình phải xem xét lại. Có lẽ sự dao động khí hậu cuối Pleistocene ở Đông Nam Á lớn hơn nhiều so với điều ta tưởng. Tôi đã nêu giả thuyết về sự tồn tại một thời kỳ khô lạnh trong giai đoạn cuối Pleistocene ở Đông Nam Á.

Một hứng thú lớn nữa đối với tôi là nghiên cứu văn hóa Phùng Nguyên. Từ 1968, tôi viết bài Một số vấn đề về văn hóa Phùng Nguyên đăng trên Nghiên cứu lịch sử. Nhưng từ trước đó, tôi đã điều tra và khai quật các di chỉ văn hóa Phùng Nguyên như Gò Chùa, Gò Bông ở Phú Thọ. Sau đó, lại khai quật nhiều di chỉ Phùng Nguyên khác như Gò Ghệ, Gò Dạ, Xóm Rền, Đồi Giàm cũng ở Phú Thọ, Đồng Gai ở Vĩnh Phúc, Đồng Chỗ ở Hà Tây… Tôi thật sự mê đồ đá cũng như đồ gốm của văn hóa này. Tôi đã viết Người Phùng Nguyên và đối xứng (1969), rồi lại viết Từ đồ gốm Phùng Nguyên đến trống đồng (1974), Văn hóa Phùng Nguyên và nguồn gốc dân tộc (1975), Văn hóa Phùng Nguyên, nhận thức mới và vấn đề (1978) và nhiều bài khác về văn hóa này. Nhưng tôi vẫn thấy có nhiều điều bí ẩn về văn hóa này. Tôi tìm thấy gốm văn hóa Hoa Lộc trong di chỉ văn hóa Phùng Nguyên. Tôi băn khoăn khi các “nha chương” của văn hóa Ân Thương cũng được tìm thấy trong các di chỉ văn hóa Phùng Nguyên. Trong văn hóa Phùng Nguyên cũng tìm thấy những đồ gốm giống với gốm ở đảo Fidji. Và dường như có một bình tuyến Phùng Nguyên ở Đông Nam Á. Vì thế, tôi vẫn ước ao một ngày nào đó viết một quyển sách về văn hóa Phùng Nguyên. Trong vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, tôi có cái may mắn là được tự mình khai quật các di tích nhiều tầng văn hóa Tiền Đông Sơn và Đông Sơn, như Đình Chàng ở Hà Nội, Đồng Đậu và Thành Dền ở Vĩnh Phúc. Tôi cho đó là cái may mắn hiếm có. Tôi đã viết một số bài về tính liên tục của các văn hóa này, nhưng tôi nghĩ là chưa đủ. Cần trở lại vấn đề này với các tài liệu đã tích lũy được.

Trong nhiều năm, tôi điều tra và khai quật khảo cổ ở các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Năm 1923, E. Patte đã đào di chỉ Bàu Tró ở Đồng Hới. Sau 57 năm, năm 1980, tôi khai quật lại di chỉ này. Kết hợp với những tài liệu tìm được ở Nghệ An và Hà Tĩnh trước đó, tôi thấy rằng đã có cơ sở để đề cập đến văn hóa Bàu Tró. Văn hóa Quỳnh Văn và văn hóa Bàu Tró đã cuốn hút tôi. Tôi đã chứng minh sự phát triển liên tục từ văn hóa Quỳnh Văn lên văn hóa Bàu Tró. Tôi cũng chứng minh rằng văn hóa Bàu Tró là một trong những cội nguồn của văn hóa Sa Huỳnh. Tôi đã bước đầu phân chia loại hình văn hóa Bàu Tró. Những ý kiến của tôi không biết còn đứng vững đến bao giờ, chỉ biết là trong hiện tại tôi còn được nhiều người ủng hộ. Một số học trò của tôi, nay đã trở thành đồng nghiệp, đã bổ sung và phát triển những luận điểm của tôi.

Tôi thấy rằng muốn nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam, phải hiểu biết khảo cổ học vùng Nam Trung Quốc và Đông Nam Á. Vì thế từ rất sớm tôi đã chú ý đến khảo cổ học các khu vực này. Năm 1965, tôi đã chuẩn bị các bài giảng khảo cổ học Đông Nam Á, nhưng bấy giờ còn chiến tranh, việc thu thập tài liệu thật khó khăn. Tài liệu có thể đọc được ở Thư viện Khoa học Xã hội (bây giờ gọi là Viện Thông tin Khoa học xã hội) ngày đó đều quá cũ. Dẫu là cũ nhưng có còn hơn không, đành sao lại bằng cách chép tay, phương tiện duy nhất ngày đó. Còn hình vẽ thì phải can lại. Vì thế, trong các năm 1978, 1979, những lần đầu tiên đến Pháp, tôi đều ngồi lỳ trong các thư viện, nhất là thư viện Bảo tàng Con người ở Paris, để thu thập tài liệu về văn hóa và nhân chủng Đông Nam Á. Tôi đã phô tô hầu hết các sách cơ bản có bấy giờ viết về các thời kỳ khảo cổ học ở Đông Nam Á. Về sau, nhân những chuyến ra nước ngoài, nhất là đến các nước Đông Nam Á tôi mới có dịp tìm hiểu sâu hơn về khảo cổ học Đông Nam Á, và được tham quan một số di tích ở vùng này. Nhờ đó, khi viết về các vấn đề khảo cổ học Việt Nam, tôi thấy vững tâm hơn vì đặt được trong bối cảnh Đông Nam Á. Hiện nay, tôi quen hầu hết các nhà khảo cổ học thế giới thuộc thế hệ tôi đang nghiên cứu về khảo cổ học Đông Nam Á, và một số nhà khảo cổ học trẻ hơn. Cho đến nay, tôi vẫn theo dõi thường xuyên tình hình nghiên cứu khảo cổ học Đông Nam Á, nhưng việc đó cũng không phải là dễ dàng.

Việc theo dõi tình hình nghiên cứu khảo cổ học Trung Quốc xem ra thì có thuận lợi hơn. Từ khi mới tốt nghiệp đại học, tôi đã đặt mua riêng cho mình các tạp chí khảo cổ học Trung Quốc như Khảo cổ, Khảo cổ học báo. Nhưng vào khoảng những năm 70, không thể đặt tiếp được nữa. Các thư viện cũng vậy. Từ đây, việc theo dõi tình hình khảo cổ học Trung Quốc nói chung, Nam Trung Quốc nói riêng trở nên rất khó khăn. Phải tìm tài liệu Trung Quốc qua nhiều nước khác. Chỉ đến gần đây, việc tìm kiếm tài liệu khảo cổ Trung Quốc mới bình thường. Chỉ có cái khó là hiện nay, tài liệu Trung Quốc lại quá nhiều, nhất là tài liệu công bố ở các địa phương. Nhưng rõ ràng là việc theo dõi tài liệu khảo cổ Trung Quốc là rất cần thiết đối với các nhà khảo cổ Việt Nam, bất kỳ là nghiên cứu thời đại nào. Những chuyến đi Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan đã cho tôi nhiều nhận thức mới về khảo cổ học Trung Quốc. Cái mà tôi quan tâm là mối liên hệ văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc qua các thời đại.

Những vấn đề về phương pháp và lý thuyết khảo cổ cũng hấp dẫn tôi. Trong mấy năm gần đây, tôi đặc biệt chú ý đến các trường phái khảo cổ học thế giới. Tôi muốn biết là các nhà khảo cổ đại diện cho các trường phái đó đã xây dựng lý thuyết của mình dựa trên những điểm xuất phát nào. Tôi nhận thấy rằng giữa các trường phái có những điểm khác nhau, dĩ nhiên, nhưng cũng có không ít điểm giống nhau. Và dường như, không phải vấn đề nào cũng có thể quy về hệ ý thức. Có những vấn đề thuần túy là kỹ thuật.

Nhưng phải nói rằng trong bao nhiêu năm qua, không chỉ có khảo cổ học lôi cuốn tôi. Vì ở bộ môn khảo cổ học của khoa Sử, tôi phải học và dạy khảo cổ. Rồi tôi phải công tác ở Viện Khảo cổ học, tất nhiên là phải chăm lo xây dựng ngành khảo cổ. Nhưng sự thích thú của tôi vẫn khiến tôi lang thang trên nhiều nẻo đường khác của khoa học. Tôi vẫn thích nghiên cứu lịch sử Việt Nam giai đoạn thế kỷ X đến thế kỷ XIV. Sau khi viết quyển Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông (viết chung chị Phạm Thị Tâm), tôi chú ý đến vấn đề ruộng đất, vấn đề văn hóa của giai đoạn này. Để sưu tầm thêm tư liệu, vốn rất hiếm về giai đoạn này, tôi quan tâm đến các bi ký. Mấy năm gần đây, đã có nhiều bi ký giai đoạn này được phát hiện. Các văn bia thời Lý Trần mà Lê Quý Đôn đã đọc và ghi lại danh sách trong Kiến văn tiểu lục thì nay đã được gần đủ. Tôi thử điểm lại tình hình phát hiện minh văn từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV trong một bài nghiên cứu đọc tại hội thảo về lịch sử Việt Nam ở Đại hội Cornell năm 1991. Nhưng từ đó đến nay luôn có những phát hiện quan trọng.

Chính những bi ký đã hướng tôi đến với lịch sử Phật giáo. Chẳng hạn như bia tháp Viên Thông ở Thanh Mai (Hải Dương) đã giúp tôi đính chính những chỗ lầm lẫn trong Tam tổ thực lục, bia ở bệ tượng chùa Hoàng Kim (Hà Tây) cho tôi biết thêm về sư Trì Bát thời Lý, ngoài những điều được ghi chép trong Thiền uyển tập anh… Nhưng phải nói rằng sự yêu thích lịch sử Phật giáo đã bắt đầu nảy nở trong tôi từ khi nghiên cứu các cột kinh Phật ở Hoa Lư. Những cột kinh Phật này đều được khắc từ thế kỷ X (đến nay có trên 20 cột) và đều có các bài chí Phật đỉnh tôn thắng đà la ni (Usnisa-vijaya-dharani). Từ đó tôi nhận thấy các dòng Thiền ở Việt Nam đã pha lẫn tín ngưỡng Mật giáo. Về sau, với minh văn bệ tượng chùa Hoàng Kim cùng các tài liệu khác, tôi nhận ra có một cơ tầng Tịnh Độ (tín ngưỡng A Di Đà và Tây phương cực lạc) trong Phật giáo Việt Nam. Thực ra tôi mới chỉ tìm hiểu Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV, như phần đã viết trong bộ Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Tôi chưa có thì giờ đi sâu vào các giai đoạn khác. Tôi chỉ có ý định tìm kiếm tài liệu về Phật giáo Việt Nam trước thế kỷ X, tài liệu thư tịch cũng như tài liệu khảo cổ nhưng xem chừng, công việc còn khó khăn.

Từ lịch sử Phật giáo Việt Nam, tôi phải đọc rộng thêm về lịch sử Phật giáo Ấn Độ và Trung Quốc. Rồi từ Phật giáo Ấn Độ, tôi phải học triết học Ấn Độ cổ trung đại. Đây là cả một vấn đề thật khó, thật rắc rối. Những sách viết về triết học Ấn Độ của các học giả thế giới thường có những ý kiến khác nhau, khiến mình phải suy ngẫm, phải chọn lựa. Đặc biệt khó là các khái niệm, mỗi người hiểu một cách.

Nhưng rồi yêu cầu học lịch sử triết học phương Đông càng ngày càng lớn, đặc biệt là trong các trường đại học. Vì thế, tôi được nhiều người mời viết phần triết học Ấn Độ trong các bộ giáo trình triết học, như của khoa Triết trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, của Học Viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh… Tôi thật xấu hổ khi được mọi người coi là “chuyên gia” triết học Ấn Độ. Nhưng phải nói rằng từ đây, sau khi lạc bước giữa rừng rậm tư tưởng Ấn Độ, tôi đâm ra mê triết học và các vấn đề lý luận trừu tượng.

Rồi từ năm 1982, theo yêu cầu của khoa Sử, tôi phải chuẩn bị để lập bộ môn Lý luận Sử học, bao gồm phương pháp luận, các phương pháp, sử liệu học, lịch sử sử học, triết học lịch sử… Tên bộ môn Phương pháp luận sử học là do quyết định của trường. Thật ra, từ rất sớm, trong các năm 70, tôi đã giảng cho sinh viên Khoa Sử các chuyên đề về sử liệu học, văn bản học… Tôi còn giảng văn bản học cho sinh viên ngành Hán Nôm của Khoa Văn.

Khi bắt tay vào nghiên cứu phương pháp luận sử học, tôi mới thấy có lắm vấn đề. Đọc lại sách nước ngoài, nhất là sách của các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, tôi mới vỡ nhẽ rằng chẳng có quyển nào trình bày phương pháp luận sử học một cách hoàn chỉnh. Các tác giả chỉ trình bày một số vấn đề có tính chất phương pháp luận chứ không phải trình bày phương pháp luận sử học như là một hệ thống. Tôi nghĩ rằng có thể có nhiều cách trình bày khác nhau. Cách trình bày của tôi có điểm xuất phát là lý thuyết hoạt động mà Marx đã nêu ra. Dựa theo lý thuyết đó, tôi đã coi nghiên cứu khoa học như là một hoạt động, có đối tượng hoạt động là đối tượng của khoa học và chủ thể hoạt động là nhà khoa học. Cho đến nay, tôi vẫn tâm đắc với cách trình bày của mình. Cách trình bày đó không những đã dựng được mô hình cấu trúc – hệ thống của phương pháp luận mà còn định nghĩa dễ dàng các khái niệm như “phương pháp”, “phương pháp luận”…

Bao giờ xây dựng lý thuyết, tôi cũng tìm cách định nghĩa các khái niệm cơ bản. Không phải bao giờ người ta cũng nhớ làm việc đó. Chẳng hạn, trong các sách dạy về văn bản học hiện nay, người ta đều quên không định nghĩa “văn bản” là gì. Dường như đó là điều hiển nhiên không cần phải định nghĩa. Thế nhưng, cho đến hiện nay, tôi vẫn băn khoăn với khái niệm này. Tôi đã thử định nghĩa, nhưng vẫn chưa thật yên tâm với định nghĩa của mình.

Điều mà tôi lo lắng hiện nay là chưa viết được giáo trình phương pháp luận sử học cho sinh viên Khoa Sử. Ngoài giáo trình phương pháp luận sử học, còn nhiều môn học bổ trợ cho sử học cũng chưa có giáo trình như sử liệu học, văn bản học, ấn chương học, cổ văn tự học, minh văn học… Ôi, còn nhiều điều phải truyền thụ cho lớp trẻ! Có lẽ phải nhờ người ghi lại các bài giảng của mình thì may ra mới có tài liệu tham khảo cho học trò. Gần đây, các bài giảng của tôi về Khảo cổ học lý thuyết, về các trường phái Khảo cổ học, hay về Khảo cổ học Đông Nam Á… ở Viện Khảo cổ học cũng bằng cách đó mới có thể in được. Cũng nhờ sự động viên của học trò và đồng nghiệp ở Khoa Sử, tôi mới hoàn thành được tập bài giảng mỏng về triết học lịch sử hiện đại. Nhìn chung, khi nói đến học tập và nghiên cứu trong các năm qua, tôi thấy kết quả của các quá trình đó ở tôi đều là gắn liền với hoạt động giảng dạy. Giảng dạy, đối với tôi còn là cách thử diễn đạt các kết quả học tập và nghiên cứu. Đó là một cách tập dượt có hiệu quả. Nhiều lần, trong lúc đang giảng bài, tôi nhận ra điều mình nói là không hợp lôgíc. Cho nên nói đến 40 năm học tập và nghiên cứu, là phải nói đến 40 năm giảng dạy. Đến nay, có 20 người làm luận án phó tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của tôi đã bảo vệ thành công. Tôi rất phấn khởi về điều này. Trong khi hướng dẫn luận án, phải nói là chính tôi cũng học được rất nhiều ở những người viết luận án.

Ngày xưa, nhà thơ Đường Trần Tử Ngang đã viết:

Tiền bất kiến cổ nhân, 
Hậu bất kiến lai giả. 
Niệm thiên địa chi du du, 
Độc sảng thiên nhi thế hạ. 
(Nhìn về trước, thấy đâu người cổ, 
Nhìn về sau, chẳng có một ai. 
Mênh mông giữa cõi đất trời, 
Đau thương dòng lệ tuôn dài cô đơn.) 

Còn tôi, 40 năm qua, tôi đã tìm được dấu người xưa và thấy cả một lớp người sau đang hào hứng đi tới. Cũng nên khóc vì hạnh phúc. 

Mùa thu 1997

Ngày 30/1/2020
Nguồn: khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn
Share on Google Plus

About Anh Bán Báo

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment