Khoa Lịch sử ở chính giữa Tầng III dãy nhà A- Ảnh husc.edu.vn |
1: Quá trình thành lập và phát triển
Ngày 1/3/1957 chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở Sài Gòn ra Sắc lệnh số 45-GD quy định thiết lập tại Huế một viện đại học và một số trường phụ thuộc, lấy tên là Viện Đại học Huế, đặt dưới quyền điều khiển của một viện trưởng với sự phụ tá của một Tổng thư ký. Cùng ngày hôm đó, Nghị định số 95-GD/NĐ với nội dung quy định tổ chức đại cương Viện Đại học Huế lúc sơ khởi cũng được ban hành.
Theo Nghị định số 95-GD/NĐ ngày 1/3/1957 của Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa về tổ chức đại cương lúc sơ khởi của Viện Đại học Huế, Ban Văn khoa được thành lập. Trong năm học đầu tiên 1957 - 1958, Ban văn khoa tuyển sinh lớp Dự bị Văn khoa, nghành Lịch sử nằm trong ban Văn khoa đã ra đời từ đó.
Ngày 21/2/1959 chính quyền Sài Gòn ra Nghị định 61-GD thiết lập 4 trường đại học tại Viện Đại học Huế, trong đó có trường Đại học Văn khoa, nghành lịch sử nằm trong Ban Sử - Địa.
Lúc thành lập, khách sạn Morin ở số 2 đường Duy Tân (nay là khách sạn sài gòn Morin ở ngã tư Hùng Vương - Lê Lợi), cạnh chân cầu Trường Tiền đã được chọn làm trụ sở cho 3 trường là Đại học Khoa Học, Đại học Văn Khoa và Đại học Sư Phạm. Đến năm 1964 trường Đại học sư phạm xây dựng xong cơ sở 32 - 34 Lê Lợi và dời về đó, nên ở khu Morin chỉ còn 2 trường Đại học Khoa Học và Đại học Văn Khoa. Nghành Lịch sử gắn bó với cơ sở khách sạn Morin suốt nhiều thập kỷ sau đó.
Sau giải phóng, 23/4/1975, Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Thừa Thiên đã có quyết định thành lập Ban điều hành Viện Đại học Huế. Ban phụ trách các trường thuộc Viện Đại học Huế cũng được thành lập để ổn định nhà trường.
Ngày 27/10/1976, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra Quyết định số 426/CP để thành lập trường Đại học Tổng hợp Huế trên cơ sở hợp nhất của hai trường Đại học Khoa học và Đại học Văn khoa của Viện đại học Huế. Khoa lịch sử cũng ra đời cùng với quyết định này, đảm đương nhiệm vụ cùng với trường trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Hiện nay Khoa Lịch sử có đội ngũ cán bộ đông về số lượng, mạnh về chất lượng, gồm 27 cán bộ, trong đó có 7 Phó Giáo sư, 8 Tiến sĩ, 4 NCS, 12 Thạc sĩ.
2: Cơ cấu tổ chức
Khoa có Cấp ủy Đảng, Ban chủ nhiệm Khoa, Ban chấp hành Công đoàn, Ban chấp hành Liên chi Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Phân hội Hội Cựu chiến binh, 7 chuyên nghành đào tạo (Lịch sử Việt Nam, Lịch sử Thế Giới, Nhân học, Khảo cổ học, Văn hóa du lịch, Sử Tổng hợp, Đông phương học)
3: Các tổ bộ môn
- Lịch sử Việt Nam
- Lịch sử Thế giới
- Nhân học - Khảo cổ - Văn hóa du lịch
- Đông phương học
4. Công tác đào tạo
Khoa Lịch sử đã và đang đào tạo 38 khoá sinh viên chính quy, 19 khoá sinh viên tại chức ở trong và ngoài trường và 19 khóa Cao học, 8 khóa Nghiên cứu sinh.
Hiện nay, về đào tạo bậc Đại học bình quân hàng năm Khoa tuyển 150 sinh viên hệ chính quy tại trường. Về đào tạo Sau đại học, Khoa đã đào tạo hàng trăm học viên cao học chuyên ngành Lịch sử Việt Nam, Lịch sử Thế giới và Dân tộc học; hơn 20 Nghiên cứu sinh (đã và đang trong quá trình hoàn thành luận án Tiến sĩ) thuộc 3 chuyên ngành Lịch sử Việt Nam, Lịch sử Thế giới và Dân tộc học.
Cơ sở vật chất, các phương tiện phục vụ giảng dạy, nghiên cứu gồm các phòng học, phòng đọc, phòng tư liệu, Bảo tàng Dân tộc - Khảo cổ học và các phương tiện kỹ thuật hiện đại...
Chất lượng các hệ đào tạo của Khoa Lịch sử được xã hội đánh giá cao. Điều đó được khẳng định qua sự hiện diện của hàng ngàn sinh viên, học viên của Khoa sau khi tốt nghiệp ở hầu khắp các lĩnh vực văn hóa, xã hội, chính trị, kinh tế... trong cả nước, trọng điểm là miền Trung - Tây Nguyên. Trong đó, nhiều người đang nắm giữ những cương vị chủ chốt tại các cơ quan như Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh, MTTQ Tỉnh, Hội LHPN Tỉnh, Ban Dân vận, Đài Truyền hình, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Bảo tàng, Nhà xuất bản, các Viện và Trung tâm nghiên cứu của các tỉnh và các thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh).
5. Công tác nghiên cứu khoa học
Đến nay, cán bộ toàn Khoa đã chủ trì hoặc tham gia nhiều đề tài các cấp: 1 đề tài cấp Nhà nước, 2 đề tài cấp Bộ trọng điểm, 35 đề tài cấp Bộ, 23 đề tài cấp tỉnh (chỉ tính từ năm 1990 đến nay); hàng chục đề tài cấp trường. Các hướng nghiên cứu chính tập trung vào 5 chuyên ngành của Khoa. Đối tượng nghiên cứu chủ yếu là khu vực miền Trung - Tây Nguyên và một số khu vực trên thế giới. Tiêu biểu có các đề tài “Kinh tế - xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn”, "Lịch sử - Văn hóa Huế", “Quan hệ các nước ASEAN trong lịch sử”, “Các dân tộc thiểu số Trường Sơn - Tây Nguyên”, “Luật tục của người Tà Ôi, Cơtu, Bru - Vân Kiều ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế”, “Bản đồ khảo cổ học Bình Trị Thiên”...
Ngoài ra, cán bộ trong Khoa còn xuất bản nhiều giáo trình, công trình nghiên cứu khoa học và hàng ngàn bài viết, công bố trên các tạp chí Trung ương và địa phương như: Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Dân tộc học, Khảo cổ học, Văn hóa Dân gian, Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, Nghiên cứu Đông Nam Á, Nghiên cứu Bắc Mỹ, Nghiên cứu Châu Âu, Nghiên cứu Phát triển, Huế Xưa và Nay...
Các công trình của cán bộ Khoa đề cập và giải quyết sâu sắc, toàn diện nhiều vấn đề mang tính cấp thiết trước mắt cũng như tính chiến lược lâu dài nên đã được xã hội đón nhận và đánh giá cao.
6. Công tác đối ngoại
Khoa Lịch sử luôn chú trọng hoạt động đối ngoại, trước hết là với các cơ quan, đơn vị công tác ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên; các trường đại học; các viện; trung tâm nghiên cứu ở trong và ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế. Sự hợp tác đó thể hiện trên nhiều lĩnh vực, như nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu triển khai, đào tạo, tập huấn, hội thảo, hội nghị khoa học, xuất bản các công trình...
Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác quốc tế của Khoa trong nhiều năm qua đã có sự mở rộng về đối tác, phạm vi nghiên cứu, qui mô...Khoa đã thực hiện thành công các dự án hợp tác nghiên cứu với nhiều tổ chức, như “Nghệ thuật ẩm thực Việt Nam (với Đại học Toulouse, Pháp); “Đào tạo cán bộ trẻ bộ môn Dân tộc - Khảo cổ - Xã hội học” (với tổ chức Ford và đại học Toronto, Canada); “Các nghề thủ công truyền thống ở miền Trung”, “Văn hoá làng Quảng Ngãi”, “Người Chứt ở Việt Nam ” (do quỹ Toyota tài trợ); “Công tác xã hội ở miền Trung việt Nam” (do Rosa Luxemburg của CHLB Đức tài trợ); hợp tác với Đại học Kansai của Nhật "Nghiên cứu tương tác văn hóa giữa Việt Nam với Đông Á" và điều tra thám sát, khai quật Khảo cổ học thành Hóa Châu ở huyện Quảng Điền liên tiếp 3 năm 2009, 2010, 2011; trao đổi học giả và sinh viên với Trường Đại học Khoa học Nhân văn thuộc Đại học Inha của Hàn Quốc, nhận giảng dạy cho sinh viên Hàn Quốc tại Khoa từ năm 2008 đến nay; trao đổi giảng dạy và nghiên cứu với Trường Công tác Xã hội, Đại học San Jose State, California, Hoa Kỳ, giảng dạy cho sinh viên Hoa Kỳ ngay tại Khoa từ năm 2011.
7. Quá trình khen thưởng
Khoa Lịch sử đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen:
- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo số 5571/GD-ĐT về 25 năm xây dựng và trưởng thành
- Bằng khen của Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam số 225/QĐKT
- Bằng khen của nhiều Sở, Ban, Ngành, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên...
8. Phương hướng
-Hoàn thành tốt công tác giảng dạy, học tập với chất lượng cao. Trong các năm đến, Khoa sẽ hoàn thiện chương trình đào tạo và mở rộng nguồn thi tuyển vào hệ Nghiên cứu sinh ngành Nhân học; tiếp tục đổi mới, nâng cấp các cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học.
-Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong toàn thể cán bộ và sinh viên, đặc biệt chú ý đến các vấn đề trọng điểm về lịch sử, văn hoá, kinh tế, xã hội... của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên cùng một số vấn đề liên quan đến quốc gia - dân tộc và quốc tế, khu vực, như dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, quan hệ quốc tế, môi trường... Tích cực tìm kiếm các đề tài mới các nguồn kinh phí hỗ trợ mới và chủ động tổ chức hoặc tham gia hội thảo, hội nghị, toạ đàm khoa học các cấp.
-Tăng cường hơn nữa sự hợp tác với các cơ quan, đơn vị, các trường đại học, các viện, trung tâm nghiên cứu ở trong và ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng đa dạng hóa loại hình, lĩnh vực hợp tác và đa phương hoá đối tác quan hệ. Đặc biệt, Khoa sẽ chú trọng nhiều hơn đến công tác tư vấn, tham mưu cho các cấp chính quyền, các cơ quan khoa học, văn hoá, nghệ thuật, du lịch... ở Huế và miền Trung - Tây Nguyên trong việc xây dựng các kế hoạch và dự án quản lý, tôn tạo, bảo vệ và khai thác các di sản văn hóa dân tộc và thế giới.
-Việc hợp tác quốc tế cũng sẽ được đẩy mạnh theo chiều rộng lẫn chiều sâu, trong đó chú trọng hơn đến các đối tác của khu vực Đông Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Hoa Kỳ... Tăng cường các hợp tác trên lĩnh vực đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ và triển khai các dự án hỗ trợ phát triển cộng đồng...
Ngày 29/1/2020
0 comments:
Post a Comment