VIỆT NAM - ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI

Dân tộc Việt Nam ta có một lịch sử lâu đời với nhiều thành tựu và chiến công huy hoàng rất đáng tự hào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu của mình. Như chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy:

Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.

Đã là người Việt Nam thì dù ở đâu cũng phải biết lịch sử nước mình vì đó là đạo lí muôn đời của dân tộc "uống nước nhớ nguồn", Nhưng học và dạy lịch sử giờ đây không phải chỉ để ghi nhớ một số sự kiện, một vài chiến công nói lên tiến trình đi lên của dân tộc hoặc để ghi nhớ công lao của một số người làm nên sự nghiệp to lớn đó, mà còn phải biết tìm hiểu, tiếp nhận những nét đẹp của đạo đức, của đạo lí làm người Việt Nam; vì chính đó là cái gốc của mọi sự nghiệp lớn hay nhỏ của dân tộc không phải chỉ ở thời xưa mà cả ở ngày nay và mai sau.

I: HOÀN CẢNH TỰ NHIÊN

1: Nước Việt Nam nằm ở Đông Nam Á lục địa châu Á, bắc giáp Trung Quốc, tây giáp Lào và Campuchia, đông và nam giáp Biển Đông (Thái Bình Dương), có diện tích 331.590 km2 đất liền và 700.000 km2 thềm lục địa. Từ thời cổ sinh của trái đất (cách ngày nay từ 185 - 520 triệu năm) đây đã là một nền đá hoa cương, vân mẫu và phiến ma nham vững chắc, tương đối ổn định. Vào kỉ thứ ba của thời Tân sinh (cách ngày nay khoảng 50 triệu năm) toàn lục địa châu Á được nâng lên và sau nhiều biến động lớn của quả đất, dần dần hình thành các vùng đất của Đông Nam Á. Người ta đoán rằng, bấy giờ Việt Nam và Indonexia còn nối liền nhau trên mặt nước biển, về sau do hiện tượng lục địa bị hạ thấp nên có sự ngăn cách ngày nay.

Sự hình thành lâu đời và bền vững đó của lục địa châu á đã ảnh hưởng rất lớn đến sự ra đời của loài người và xã hội loài người. Năm 1891, nhà bác học Hà Lan Ơgian Đuyboa (Eugene Dubois) đã tìm thấy hài cốt của người vượn Giava, sống cách đây khoảng 170 - 180 vạn năm. Năm 1929, giáo sư Bùi Văn Trung (Trung Quốc) phát hiện xương sọ hoàn chỉnh người vượn ở Chu Khẩu Điếm (gần Bắc Kinh - Trung Quốc) sống cách ngày nay khoảng 20 - 50 vạn năm. Việc phát hiện hài cốt người nguyên thủy được tiếp tục trong các thập niên qua đã chứng tỏ rằng Đông Nam Á là một vùng quê hương của loài người. Một số di cốt của người nguyên thủy cùng các công cụ đá của họ được tìm thấy trên mặt đất Bắc Việt Nam đã góp phần xác nhận điều nói trên.

Vị trí thuận lợi của Việt Nam từ xa xưa đã góp phần quan trọng vào việc giao lưu của các nền văn hóa khác nhau của Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc và sau này với các nền văn hóa phương Tây.

2: Địa hình vùng đất liền khá đặc biệt: Hai đầu phình ra (Bắc bộ và Nam bộ) ở giữa thu hẹp lại và kéo dài (Trung Bộ).

Địa hình miền Bắc tương đối phức tạp: rừng núi trải dài suốt từ biên giới Việt - Trung cho đến tây bắc Thanh Hóa với nhiều ngọn núi cao (như Phanxipăng, 3142m), nhiều khu rừng rậm, cổ (như Cúc Phương), ở đây các dải núi đá vôi (Cao Bằng, Bắc Sơn, Hòa Bình - Ninh Bình...) có ý nghĩa quan trọng. Sự xâm thực của thời tiết đã tạo nên hàng loạt hang động, mái đá và quang cảnh nhiều màu nhiều vẻ của đất Bắc Việt Nam. Cùng với rừng rậm và nhiều loại cây hoa quả khác nhau, hàng trăm giống thú vật, nhiều loại đá, quặng, đã tạo nên những điều kiện đặc biệt thuận lợi cho sự sinh sống và phát triển của con người.

Địa hình Trung bộ với dải Trường Sơn trải dọc phía tây cũng tạo nên nhiều điều kiện thuận lợi cho con người sinh sống, vùng đất đỏ Tây Nguyên được phủ lớp dung nham núi lửa nên bằng phẳng và phì nhiêu, sớm trở thành nơi cư trú lâu dài của con người cũng như là nơi phát triển của nhiều loài thực vật, động vật quý hiếm.

Việt Nam có nhiều sông ngòi. Hai con sông lớn nhất là sông Hồng và sông Cửu Long. Sông Hồng bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) chảy xuôi qua Biển Đông theo hướng tây bắc - đông nam với lưu lượng lớn (từ 700 m3/giây đến 28.000 m3/ giây), hàng ngày hàng giờ chuyển phù sa bồi lấp vịnh biển góp phần tạo nên cả một đồng bằng rộng lớn (diện tích khoảng 16000 km2), thuận lợi cho sự phát triển của nông nghiệp và tụ cư của con người, nơi hình thành nền văn minh Việt bản địa. Trong lúc đó, ở phía nam, sông Cửu Long - bắt nguồn từ Tây Tạng (Trung Quốc) sau khi chảy qua địa phận của hai nước Lào, Campuchia với lưu lượng lớn (từ 4000 m3/giây đến 100.000 m3/giây) đã chuyển dần phù sa tạo nên đồng bằng Nam bộ rộng lớn nhất nước. Khác với sông Hồng - có độ dốc lớn, sông Cửu Long có lòng sông rộng, độ dốc ít và sự hạn chế của Biển Hồ (thuộc Campuchia) hằng năm ít đe dọa lũ lụt.

Nằm trong khoảng 8 độ 30 phút - 23 độ 22 phút độ vĩ bắc với một chiều dài khoảng 1650 km, Việt Nam thuộc khu vực nhiệt đới và một phần xích đạo. Tuy nhiên nhờ gió mùa hàng năm, khí hậu trở nên điều hòa, ấm, thuận lợi cho sự phát triển của sinh vật. Miền Bắc, khí hậu ấm, độ chênh lệch lớn: ở Hà Nội, nhiệt độ trung bình tháng lạnh nhất là 12,5 độ C, tháng nóng nhất là 29,3 độ C. Miền Trung, như Huế, độ chênh lệch là 20 - 30 độ C. Ở thành phố Hồ Chí Minh, độ chênh lệch càng ít hơn: 26 - 29,8 độ C. Những tháng 6,7,8 ở Bắc Bộ và Trung Bộ là nóng nhất trong năm, trong lúc đó, ở Nam Bộ, nhiệt độ điều hòa hơn.

Mùa xuân, mùa hạ, mưa nhiều, lượng nước mưa trong năm có khi lên rất cao: Hà Nội năm 1926 là 2741 mm. Huế trung bình 2900 mm. Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình năm 2000 mm.

Địa thế vùng ven biển, có nhiều thuận lợi cũng có nhiều thiên tai, đặc biệt là bão, áp thấp nhiệt độ và gió mùa đông bắc.

Tuy nhiên, nhìn chung, khí hậu Việt Nam rất thuận lợi cho sự phát triển của sinh vật, đặc biệt là thực vật và sau này cho sự phát triển của nông nghiệp.

II: DÂN TỘC VIỆT NAM

1: Nước Việt nam nằm ở khu vực nối liền hai đại dương: Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vùng hải đảo và lục địa châu Á nên cũng là nơi tụ cư của nhiều tộc người khác nhau. Trên bước đường phát triển của loài người, Việt Nam là nước nằm giữa hai trung tâm văn minh lớn, cổ xưa, nên cũng sớm trở thành điểm giao lưu của những nền văn minh đó. Cho đến nay, theo các nhà dân tộc học, trên lãnh thổ Việt Nam có 54 tộc người sinh sống. Mặc dầu mỗi tộc người đều có những nét văn hóa riêng, những vẫn gắn bó chặt chẽ với nhau trong vận mệnh chung, thành quả của một cuộc đấu tranh, hòa hợp lâu dài trong lịch sử lấy tộc người Việt - chiếm trên 80% dân số - làm trung tâm. Các nhà dân tộc học chia dân tộc Việt Nam thành 8 nhóm theo ngôn ngữ như sau:

1: Việt - Mường
2: Tày - Thái
3: H'mông - Dao
4: Tạng - Miến
5: Hán
6: Môn - Khơ-me
7: Mã Lai - Đa Đảo
8: Hỗn hợp Nam Á

2: Từ sau cách mạng tháng Tám 1945 với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - vốn là thành quả đấu tranh chung của cả dân tộc - tất cả các dân tộc dù ít người hay đông người đều tự do và bình đẳng, cùng đoàn kết chặt chẽ với nhau dưới sự lãnh đạo của Đảng, chiến đấu dũng cảm quên mình chống lại các thế lực xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập mới giành lại được để rồi ngày nay cùng phấn đấu vươn lên, chung sức đồng lòng xây dựng đất nước.
Share on Google Plus

About Anh Bán Báo

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment