Trong quá trình chinh phục xứ Gôlơ, người Frăng đã chiếm được rất nhiều ruộng đất. Trên cơ sở ấy, vua Frăng giao một phần đất đai cho các thành viên của công xã thị tộc cũ để thành lập những công xã nông thôn, một phần đem cấp cho các tướng lĩnh thân cận và biếu tặng các cơ sở của giáo hội Kitô giáo. Việc ban cấp này không kèm theo một điều kiện nào cả. Bản thân nhà vua cũng giữ lại cho mình những lãnh địa rộng lớn. Ngoài ra, một số quý tộc cũ ở đó vẫn giữ lại lãnh địa của mình. Tất cả những người đó (vua, quan lại, tướng lĩnh, quý tộc rôma cũ, giáo chủ, viện trưởng tu viện...) lập thành giai cấp địa chủ mới.
Đến thế kỉ VIII, trong chính sách ban cấp ruộng đất có một sự thay đổi quan trọng. Sự thay đổi ấy gắn liền với việc tổ chức lại lực lượng quân đội. Trước đó lực lượng vũ trang chủ yếu của vương quốc Frăng là bộ binh mà nguồn binh lính quan trọng nhất là nông dân tự do. Nay phần lớn nông dân đã bị phá sản và bị biến thành nông dân lệ thuộc giai cấp địa chủ, vì vậy nhà nước không thể bắt họ làm nghĩa vụ binh dịch được nữa. Trong khi đó, vương quốc Frăng đang bị người A Rập ở Tây Ban Nha đe dọa. Để có thể chống lại sự tấn công bằng kị binh của người A Rập, Tể tướng vương quốc Frăng là Sáclơ Mácten đã tiến hành cuộc cải cách quân sự, lấy kị binh làm lực lượng nòng cốt của quân đội. Lúc bấy giờ, các kị sĩ đều phải tự túc ngựa và quân trang, do đó chỉ có những người thuộc giai cấp địa chủ và một số ít nông dân khá giả mới đảm đương được nhiệm vụ đó.
Trang bị vũ khí của một Kỵ sĩ Châu âu thời Trung cổ |
Khác với chính sách phong tặng ruộng đất trước kia, chính sách ruộng đất của Sáclơ Mácten là chính sách ban cấp có điều kiện và ruộng đất được ban cấp gọi là Thái Ấp. Với những điều kiện ràng buộc là.
- Người được phong đất (bồi thần) phải thề trung thành với người phong đất (tôn chủ) và phải thực hiện nghĩa vụ quân sự mỗi năm 40 ngày.
- Đất phong chỉ được sử dụng suốt đời chứ không được truyền cho con cháu.
- Nếu bồi thần không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thì ruộng đất bị thu hồi. Nếu tôn chủ chết thì ruộng đất phải trả lại cho người kế thừa của tôn chủ. Sao đó, bồi thần muốn nhận lại thái ấp thì phải làm lễ phân phong lại. Nếu bồi thần chết mà con của người này đã đến tuổi trưởng thành và muốn kế thừa thái ấp của cha cũng phải làm lễ phân phong lại.
Mục đích của lễ phân phong lại là để khẳng định quyền hạn và nghĩa vụ của tôn chủ mới và bồi thần mới. Khi làm lễ phân phong lại, bồi thần phải nộp cho tôn chủ một khoản lễ vật. Khoản lễ vật này không có quy định thống nhất, có khi là một số tiền tương đương với toàn bộ thu hoạch trong một năm của thái ấp được phong. Về sau, quy định này dần dần bãi bỏ.
Bức tranh "Sự tôn vinh" của Edmund Blair Leighton |
Những người chủ của các lãnh địa ấy đều được gọi chung là lãnh chúa, là quý tộc, trong đó lãnh chúa lớn được gọi là Công tước, Hầu tước, Bá tước. Lãnh địa của Công tước thường rất lớn, lãnh địa của Hầu tước gồm mấy quận, còn lãnh địa của Bá tước là một quận. Tầng lớp thấp nhất nhưng đông đảo nhất trong giai cấp phong kiến là kị sĩ.
Một khi lãnh địa trở thành tài sản có thể kế thừa, nếu lãnh chúa có nhiều con trai thì sau khi lãnh chúa chết, lãnh địa thường được chia đều cho các con người ấy. Về sau thì lãnh địa thường truyền cho người con cả. Nếu con trai của lãnh chúa chưa đến tuổi trưởng thành (dưới 15 tuổi), hoặc lãnh chúa chỉ có con gái thì lãnh địa được truyền cho chon, nhưng phải có người bảo trợl. Đối với người con trai còn nhỏ tuổi, người bảo trợ phải thực hiện mọi nghĩa vụ của bồi thần và được hưởng toàn bộ thu hoạch của lãnh địa. Thường thường người bảo trợ chính là tôn chủ. Đối với người con gái được kế thừa thì chồng cô ta là người bảo trợ. Nếu cô ta chưa kết hôn thì tôn chủ sẽ chọn cho cô một người chồng.
Chính sách phân phong ruộng đất từ Sáclơ Mácten cho đến Sáclơmannhơ đã dẫn đến sự hình thành giai cấp phong kiến đông đảo. Đây là giai cấp ít được học văn hóa nhưng lại có tinh thần thượng võ cao. Họ lấy việc chiến đấu làm nghề nghiệp, lấy săn bắn thi võ làm trò tiêu khiển, lấy việc đấu kiếm làm biện pháp để giải quyết xích mích và mâu thuẫn.Chính giai cấp phong kiến ấy là cơ sở của chính quyền nhà vua để bên trong thì đàn áp các thế lực chống đối, bên ngoài thì gây chiến tranh xâm lược mở rộng lãnh thổ.
0 comments:
Post a Comment